Bằng Phong Đăng Văn Âu- Gửi Loan Phan, những việc làm hữu ích củ a Tướng Kỳ mà tôi chứng kiến ((Tựa do HLC đặt) -May 4, 2024

LGT: khi T Thiệu độc cử, tôi đang học ĐH Khoa Học. Tôi không đi bầu để phản đối vụ độc cử. Tôi không cảm tình với đôi mắt ông Thiệu. Nó cho thấy một con người rất mưu mô thủ đoạn. Qua những “true fact” mà Bằng Phong ĐVA viết dưới đây về Nguyễn Cao Kỳ (Dẹp PG Ấn Quang, xử tử Tạ Vinh (đầu cơ gạo), CT giúp dân nghèo, vụ xe bus, vụ biến động miền Trung, tổ chức bầu cử QH lập hiến vào 1966, Tổ chức bầu cử, khai sinh nền Đệ Nhị Cộng Hòa, nhường ứng cử Tổng Thống cho Thiệu vào 1967) cho thấy ngày đó Thiệu là ai, Kỳ là ai . Đáng tiếc là sau này, Kỳ đã có những suy nghĩ gì đó (ví dụ như cảm thấy vô vọng cho VN nên nghĩ cách phải theo chính sách hòa hợp của Mỹ nghĩa là biến đổi cs dần dần từ đỏ sang hồng) nên đã về VN và có những câu tuyên bố 1,2..

Hoàng Lan Chi

THƯ VIẾT CHO LOAN PHAN VỀ TƯỚNG KỲ.

Bằng Phong Đặng văn Âu.

https://khongquanc130.blogspot.com/2024/04/thu-ngo-gu-nguyen-ac-xuan-bang-phong.html

Dear Loan,

Ở ngoài Huế, trong dân gian có câu: "Núi Ngự Bình trước tròn, sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong".

Nghĩa là ai đứng phía trước núi Ngự Bình, thì thấy núi Ngự Bình tròn. Nhưng ai đứng phía sau núi Ngự Bình thì thấy núi Ngự Bình … méo!

Cũng có một câu nói khác: "Mấy ông mù sờ voi!" để nói về mấy ông mù cứ làm như biết rất rõ ràng về con voi, nhưng kỳ thực chẳng biết gì cả, chỉ nói lung tung.

Anh là người phục vụ trong Không Quân, nhưng anh không phải là người làm việc trực tiếp dưới quyền ông Tướng Kỳ. Anh chẳng nhận được bất cứ mưa móc gì của ông Kỳ để tỏ ra thiên vị. Ông Kỳ người Sơn Tây, anh gốc Nghệ An, chẳng có dây mơ rễ má dòng họ gì với ông Kỳ, cũng chẳng phải là đồng hương để bảo rằng phủ bênh phủ, huyện bênh huyện. Nhưng anh không giống những quân nhân khác ở chỗ anh có óc quan sát và có khả năng suy luận, nên khi thấy ông Kỳ bị tiếng oan của dư luận, thì anh viết thế thôi!

Tuy anh chỉ là một sĩ quan cấp Thiếu tá, nhưng anh biết nhiều nhân vật chính trị, đảng phái và Tướng lĩnh. Bởi vì anh có ông anh rể là Thủ tướng Phan Huy Quát và ông anh thúc bá là Bác sĩ Nghị sĩ VNCH Đặng văn Sung, nên anh biết nhiều chuyện liên quan đến lịch sử vào thời buổi cực kỳ nhiễu nhương.

Khi Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát không thể giải quyết mối bất hòa, hai ông trao quyền lãnh đạo đất nước cho Quân Đội.

Lúc bấy giờ, Trung tướng Nguyễn văn Thiệu đương là Phó Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng, triệu tập cuộc họp toàn quân tại Câu Lạc Bộ Sóng Thần của Thủy Quân Lục Chiến, gồm có các Tướng Quân Binh Chủng và các Tư lệnh Sư Đoàn. Tướng Kỳ 3 lần đề nghị Tướng Thiệu đảm đương chức vụ Thủ tướng, vì ông Thiệu là đương kim Phó Thủ tướng, nhưng cả ba lần Tướng Thiệu đều từ chối. Chẳng phải Tướng Thiệu không thích chức Thủ tướng, nhưng ông sợ tình hình quá khó khăn, không thể đảm đương nổi, nên không dám nhận. Sau đó, Tướng Kỳ đề nghị Tướng Nguyễn Chánh Thi, nhưng Tướng Thi cũng không dám nhận.

Sau giờ giải lao, Tướng Thiệu và Tướng Thi bàn bạc nhau và đẩy Tướng Kỳ ra làm Thủ tướng. Lúc hữu sự mới biết ai anh hùng!

Vì tinh thần trách nhiệm, Tướng Kỳ nhận lời; chứ không phải ông có mưu mô, phe cánh với ai để tranh giành chức Thủ tướng.

Mặc dầu, chưa từng lãnh đạo Đất Nước, nhưng Tướng Kỳ đã làm những việc mà chắc chắn không một ông Tướng nào, một ông chính trị gia nào có bản lĩnh lãnh đạo và mưu lược có thể so sánh ngang với Tướng Nguyễn Cao Kỳ (lúc mới 35 tuổi).

1/ Ông Kỳ đã dẹp xong các cuộc xuống đường của phe Phật giáo Ấn Quang do Trí Quang lãnh đạo. Từ đó chấm dứt nạn đảo chánh, nạn lên đường xuống đường. Tinh thần chiến đấu của quân sĩ lên rất cao. Nhất là ông Kỳ cùng anh em Khu Trục thi hành những phi vụ Bắc Phạt. Ông Kỳ chọn ngày 19 tháng 6 làm Ngày Quân Lực để đánh dấu thời điểm ông đại diện Quân đội nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ Miền Nam. (Ngày nay các Hội đoàn kỷ niệm Ngày Quân Lực, 19 Tháng 6 rất rầm rộ, nhưng miệng vẫn chửi ông Kỳ để tỏ ra ta đây anh hùng!)

2/ Ông Kỳ đích thân giải quyết nạn đầu cơ tích trữ gạo, đường, sữa cho trẻ em, do mấy Chú Ba Tàu đầu nậu ở Chợ Lớn lũng đoạn, mà ông Tổng trưởng Kinh tế Âu Trường Thanh đành bó tay.

3/ Ông Kỳ xử tử hình Tạ Vinh về tội tham nhũng.

4/ Ông Kỳ hữu sản hóa dân nghèo bằng cách bán trả góp xe taxi, xe Lambretta ba bánh cho dân được làm chủ … Xây nhiều khu gia binh cho lính và sử dụng miếng đất trống cạnh phi trường Tân Sơn Nhất cấp cho các sĩ quan thâm niên.

5/ Giải quyết nạn xe buýt thuộc quyền quản trị của Chính quyền, năm nào cũng thua lỗ, xe hỏng phải hủy bỏ nhiều chuyến. Nhưng sau đó xe buýt chạy đều, đúng giờ và Chính phủ không phải bù lỗ.

6/ Dẹp Biến Động Miền Trung do Tướng Nguyễn Chánh Thi và Trí Quang toa rập nhau làm loạn một cách êm thấm, không có đổ máu. Liên Thành đề cao Tướng Loan trong cuốn sách "Biến Động Miền Trung", nhưng nếu không có sự lãnh đạo quyết đoán như Tướng Kỳ, thì Tướng Loan chẳng làm được gì, bởi vì mỗi lần gặp sự khó xử, Tướng Loan đều xin chỉ thị từ Tướng Kỳ.

Nếu không có Tướng Kỳ lãnh đạo đất nước vào thời điểm ấy, thì Miền Nam đã mất từ năm 1966. Tướng Thi thấy Tướng Kỳ điều hành đất nước một cách dễ dàng, thì đâm ra tiếc, vì đã không nhận lời làm Thủ tướng do Tướng Kỳ đề nghị năm 1965. Tướng Thi hết phản Tổng thống Diệm đến phản Tướng Kỳ. Nhưng sang Mỹ, Tướng Thi nhờ sử gia Chánh đạo Vũ Ngự Chiêu viết cuốn Hồi Ký "Một Trời Tâm Sự" để khoe tiểu sử "lẫm liệt" của mình. Trong Hồi Ký, Tướng Thi viết rằng ông không làm Chính trị, mặc dầu chức Tư Lệnh Quân Đoàn kiêm nhiệm chức Đại Biểu Chính Phủ, có quyền bổ nhiệm Tỉnh trưởng, mà ông Thi bảo ông không làm chính trị, là quá sức khôi hài.

7/ Sau khi dẹp loạn ở Miền Trung xong, ông Kỳ tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến năm 1966. Sang năm 1967, Tướng Kỳ tổ chức bầu cử Tổng thống, Thượng Viện, Hạ Viện để khai sinh nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. Chính ông Kỳ là cha đẻ nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Tổng thống Ngô Đình Diệm là cha đẻ nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

8/ Năm 1967, Hội Đồng Quân Lực họp để lấy quyết định chọn Tướng Thiệu (Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia) hay Tướng Tướng Kỳ (Chủ tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương) làm đại diện Quân Đội ra tranh chức Tổng thống với mấy ứng cử viên Dân sự. Thật ra các Tướng lĩnh đã chọn Tướng Kỳ, nhưng bày đặt tổ chức Đại Hội cho đúng "thủ tục hành chánh" (formalité). Sở dĩ các Tướng chọn ông Kỳ là vì ông Kỳ đã tả xung hữu đột, bình định được tình hình, còn Tướng Thiệu thì chỉ lo đi lập đảng Dân Chủ để gây thanh thế cá nhân. Khi Đại tướng Cao văn Viên mở cửa phòng họp Đại Hội, ra mời hai ông Tướng vào nghe quyết định của Hội Đồng Quân Lực, Tướng Thiệu bỗng gục xuống và khóc (rất giống Lưu Bị đóng kịch với Tào Tháo). Ông Kỳ yêu cầu Đại Hội không cần đọc quyết định, ông nhường cho Tướng Thiệu đại diện Quân Đội đứng ra tranh cử Tổng thống và ông trở về Không Quân. Tướng Thiệu nhào tới ôm Tướng Kỳ để bày tỏ lòng biết ơn. Cả Đại Hội vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Vùng I, đứng lên tuyên bố nguyên văn: "Hoan hô tinh thần đoàn kết Quân Đội của anh Kỳ đã có hảo ý nhường cho anh Thiệu. Nhưng anh Kỳ đã thương Quân Đội thì hãy thương cho trót. Tôi yêu cầu anh Kỳ đứng Phó cho anh Thiệu thì mới chắc ăn. Nếu anh Kỳ không chấp nhận lời yêu cầu của tôi, thì tôi xin trả lại cặp lon Trung Tướng này cho Quân Đội và tôi trở về đi dạy học”. Cả Đại Hội vỗ tay một lần nữa. Thế là ông Kỳ phải chấp nhận đứng Phó cho ông Thiệu.

Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng không tin ông Thiệu, nên đề nghị thành lập Quân Ủy Trung Ương, giống như Bộ Chính trị Cộng sản, để bắt buộc Trung tướng Thiệu phải thi hành chính sách do Quân Đội chỉ đạo. Tướng Kỳ làm Chủ tịch Quân Ủy, các Tướng Tư Lệnh Quân Binh Chủng và các Tướng Tư lệnh Quân Đoàn, Sư Đoàn là thành viên. Tướng Thiệu cũng chỉ là thành viên trong Quân Ủy. Nói thực, lúc bấy giờ Tướng Thắng có đề nghị điều gì thì Tướng Thiệu cũng đồng ý cả hai tay.

Quả nhiên, “Liên Danh Quân Đội Thiệu Kỳ” chỉ thắng 35% số phiếu cử tri. Liên danh Trương Đình Dzu về nhì, suýt soát tỷ lệ thắng cử của Liên danh Quân Đội. Nếu không có đương kim Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng phó để có phiếu của Quân Đội, chưa chắc ông Thiệu đã được làm Tổng thống.

Trưởng lưới Tình Báo CIA ở Saigon là William Colby nghe tin Tướng Kỳ nhường cho Tướng Thiệu làm Tổng thống, tức tốc lái xe vào Tân Sơn Nhất gặp Tướng Kỳ để yêu cầu Tướng Kỳ rút lại quyết định, bởi vì ông ta đã được lệnh của Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao và Pentagon phải ủng hộ Tướng Kỳ đắc cử Tổng thống bằng mọi giá. Nhưng Nho giáo đã đào tạo Tướng Kỳ thành một ông "Quân Tử Tàu" nhất ngôn. Ông Kỳ cương quyết không thay đổi quyết định!

Sau chừng nửa giờ thuyết phục, William Colby nhận thấy không thể lay chuyển anh Đồ Nho gàn dở, đành nhún vai bỏ ra về. Nhân chứng của vụ việc này là Thiếu tá Nguyễn Quốc Phiên (biệt hiệu Phiên Rách) hiện đang sống tại Orange County. (Anh có để địa chỉ Email của anh Phiên trong cái list của Email này)

Con người thủ đoạn của Tướng Nguyễn văn Thiệu là phản bội và láu cá vặt:

Thứ nhất, được Tổng thống Ngô Đình Diệm cử chức Tư lệnh Sư Đoàn 5 tại Bến Cát, Bình Dương gần Thủ đô, để trong trường hợp Saigon có đảo chánh, thì ông Thiệu đem quân về cứu giá. Tháng 11, ngày 1 năm 1963, có cuộc đảo chánh, Đại tá Nguyễn văn Thiệu mang quân về Saigon, nhưng án binh bất động để chờ xem bên nào thắng thì theo.

Thứ hai, ông Thiệu tuyên thệ vào đảng Đại Việt, rồi sau đó bỏ đảng để đi lập đảng Dân Chủ.

Thứ ba, ông Thiệu vội vàng ký vào biên bản chấp nhận làm thành viên Quân Ủy Trung Ương, nhưng sau 3 tháng làm Tổng thống thì ký lệnh giải tán Quân Ủy Trung Ương để một mình quyết định vận mạng đất nước. (phản phúc)

Thứ tư, tới năm 1971, lặng lẽ chọn ông Trần văn Hương làm Phó Tổng thống mà không cho ông Kỳ hay biết. Tổng thống Thiệu sai ông Phụ tá Nguyễn văn Ngân mua chuộc các dân cử gia nô ở Hạ Viện và Thượng Viện làm luật buộc ai muốn ra tranh cử Tổng thống thì phải có 100 chữ ký của dân cử. ( Hoàng Lan Chi viết: đây là cái luật vô cùng cà chớn. Ai cũng biết đa số dân cử dễ bị mua chuộc nhất là dân cử ở các tỉnh lẻ) Tới phút chót, sau khi ông Thiệu có đủ 100 chữ ký của dân cử giới thiệu để tranh cử, thì ông Thiệu mới cho ông Kỳ biết ông đã chọn ông Trần văn Hương. Ông Thiệu là một nhà lãnh đạo lật lọng và láu cá mà không biết ngượng. Tướng Thiệu đã từng tuyên bố một câu đáng để đời: "Làm Chính trị là phải lì", tức là bất chấp dư luận, không thèm xấu hổ hay lòng tự trọng! Ông Thiệu độc diễn năm 1971 là cái cớ để cho Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.

Có điểm quan trọng này khiến anh kính phục tư cách của ông Kỳ. Năm Mậu Thân 1968, Việt Cộng tấn công Saigon, ông Thiệu về quê vợ ở Mỹ Tho ăn Tết. Phó Tổng thống Kỳ phải đứng ra chỉ huy các Tướng lĩnh điều động các đơn vị Quân Đội phản công và thành lập Nhân Dân Tự Vệ để bảo vệ các phường. Đáng lý ra, Tướng Thiệu trong tư cách Tổng Tư Lệnh Quân Đội phải bay về Saigon để bảo vệ Dinh Độc Lập và Thủ Đô. Nhưng ông Thiệu cứ ở lì tại Mỹ Tho.

1/ Ông Kỳ phải ra lệnh một đơn vị Bộ Binh lo phòng thủ tư gia của bà Thiệu để bảo vệ sinh mạng của ông Thiệu.

2/ Trung tá Phó Quốc Trụ và Trung tá Lê Ngọc Trụ đề nghị ông Kỳ hất ông Thiệu khỏi chức Tổng thống và đưa ông Kỳ lên làm Tổng thống. Ông Kỳ quắc mắt, mắng: "Tôi không phải là thằng Tướng bẩn, nhân cơ hội nước loạn để chiếm ngôi. Tôi cấm các anh không được phép đề nghị phi pháp.

3/ Được nhiều lần gần gũi ông Kỳ, nhưng anh chưa một lần nào nghe ông Kỳ tỏ ra hối tiếc vì đã nhường chiếc ghế Tổng thống cho ông Thiệu.

Trong lịch sử nước ta, chỉ có Đức Trần Hưng Đạo không vâng lời Cha là Trần Liễu thoán đoạt ngôi vua Trần Thái Tông. Ngoài ra, các triều đại khác đều có chuyện tranh bá đồ vương, có khi thanh toán nhau rất dữ dội. Thời nay, chỉ có Nguyễn Cao Kỳ đã mắng thuộc hạ không được xúi giục ông tạo phản. Hành động trượng phu như vậy, không đáng cho chúng ta kính phục hay sao?

Cho nên, anh vẫn đánh giá ông Kỳ là bậc trượng phu hiếm có, dù thiên hạ nói xấu ông đến cỡ nào. Loan đã đến nhà anh thì thấy anh thờ ông Tướng Kỳ trên bàn thờ đấy thôi! Anh thờ một người có nghĩa khí, có tinh thần “huynh đệ chi binh” và lòng yêu nước cao độ, rất xứng đáng bậc chính nhân quân tử mà anh cố gắng noi theo.

Thiên hạ viết báo "chửi" anh rất nặng lời, nhưng anh im lặng, vì anh biết dân Việt Nam có máu bạc bẽo, bất công, chỉ nghe hơi nồi chõ, chẳng cần biết ất giáp gì, chỉ biết chửi cho sướng miệng.

Nếu không có ông Kỳ dẹp Biến Động Miền Trung, thì làm gì có nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa? Làm gì có ông bà nào có tước hiệu Dân Biểu với Nghị sĩ? Và làm gì có những ông bà bác sĩ trí thức xuất thân từ trường Đại Học Y Khoa Huế?

À, anh quên điểm này. Năm 1974, Tướng Thiệu còn bỏ tiền ra mua các Dân Biểu, Nghị sĩ “gia nô” làm tu chính án sửa luật Hiến Pháp để cho phép Tổng thống Thiệu ra tranh cử nhiệm kỳ III vào năm 1975. Mặc dù tình hình đất nước đang trong cơn hấp hối! Điều đó đủ thấy ông Thiệu quá sức tham quyền, nên không thấy nguy cơ mất nước đang ở trước mắt!

Loan thân mến,

Nếu Trời cho anh còn sức khỏe, anh sẽ viết về Tướng Kỳ một cách đầy đủ hơn, nhiều chi tiết lý thú hơn, khiến Loan cũng phải cảm phục.

Loan hãy tin anh đi! Theo chỗ anh biết, trong tất cả những anh em Không Quân các cấp, chỉ có anh là người dám đấu lý với Tướng Kỳ và dám công khai đứng ra bênh vực Tướng Kỳ. Tướng Kỳ về Việt Nam không phải để hòa hợp hòa giải với Việt Cộng như sự cáo buộc của bọn Việt Tân. Ông Kỳ về Việt Nam theo yêu cầu của Tổng thống George Bush (Con) thuyết phục Việt Cộng đi theo Mỹ để khỏi bị Hán Hóa. Anh sẽ viết về cuộc tranh luận giữa ông Kỳ và anh trong vụ này cho Loan đọc. Chỉ có anh là người dám đấu lý với Tướng Kỳ vì anh có lý lẽ để phản biện. Hầu hết những anh em Không Quân khác đều ngồi nghe ông Kỳ "thuyết pháp" mà thôi. Loan từng đọc nhiều bài viết của anh, chắc Loan cũng đã thấy anh có sự hiểu biết để thảo luận vấn đề đất nước với bất cứ ai.

Chúc Đổng và em dồi dào sức khỏe.

Thân ái,

Anh Âu.

This entry was posted in Linh Tinh. Bookmark the permalink.